Người ta vẫn ví trẻ em như “một tờ giấy trắng”. Mọi hành vi, lời nói của trẻ rất dễ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Trẻ dễ dàng bắt chước theo hành động của người lớn, kể cả thói xấu, đặc biệt là những người bé thường xuyên tiếp xúc. Vì thế, cha mẹ chính là những người cần phải có phương pháp thích hợp để thay đổi thói quen xấu cho trẻ. Bài viết sau đây của Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai sẽ đề cập đến những thói quen xấu của trẻ, cũng như đưa ra một số giải pháp cho những vấn đề này.
Thói quen xấu được hình thành như thế nào?
Thói quen xấu ở trẻ là điều khiến nhiều bậc phụ huynh phải đau đầu tìm cách khắc phục. Nếu không được thay đổi, thói quen xấu sẽ trở nên trầm trọng hơn trong tương lai. Thói quen được hình thành khi chúng ta lặp lại hành vi một cách vô thức. Những thói quen xấu ở trẻ nhỏ có thể do vấn đề về thể chất hoặc tâm lý. Đôi khi, thói quen có thể làm phát sinh các hành vi ám ảnh. Trong trường hợp này, trẻ cần được điều trị bởi bác sĩ hoặc nhà tâm lý học.
Một số thói quen xấu ở trẻ nhỏ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Trong khi đó, một số có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ và cuộc sống gia đình.
Điều quan trọng vẫn là cần phải sửa chữa ngay những thói quen xấu của trẻ trước khi chúng ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.
1. Chế độ ăn uống không lành mạnh
Ăn đồ ăn vặt là một thói quen xấu rất phổ biến hiện nay. Thực tế, hiện nay có rất nhiều đứa trẻ không ăn gì ngoài đồ ăn vặt. Đây là một thói quen rất xấu. Hậu quả có thể gây béo phì và cao huyết áp.
Để giúp trẻ thoát khỏi thói quen này, cha mẹ hãy tìm cách lôi cuốn bé với những bữa ăn cuốn hút hơn. Hãy tập chuẩn bị các công thức nấu ăn với nhiều loại thực phẩm khác nhau và trang trí thật hấp dẫn trẻ.
Nếu trẻ không thích loại thực phẩm nào đó, thử tìm cách thay thế bằng những loại khác cùng nhóm. Điều này giúp trẻ có thể được cung cấp đủ dinh dưỡng mà vẫn hứng thú với món ăn. Thay thế đồ ăn nhẹ bằng trái cây hoặc salad và thúc đẩy trẻ ăn chỉ khi đói.
Bạn cũng có thể tìm cách bày trò chơi nhờ trẻ phụ nấu ăn hoặc chuẩn bị một món của riêng trẻ. Điều này sẽ kích thích tinh thần giúp đỡ và sáng tạo của trẻ. Trẻ cũng sẽ cảm thấy hứng thú hơn với chính món ăn mình được góp sức.
2. Ăn trước tivi, hoặc máy tính/ipad/điện thoại
Đây là tình trạng phổ biến hiện nay. Rất nhiều trẻ đòi hỏi phải được xem chương trình yêu thích của mình mới đồng ý ăn. Thói quen này được hình thành có thể do từ nhỏ, người chăm sóc thường xuyên cho trẻ ăn cùng với việc xem chương trình.
Các nghiên cứu cho thấy ăn trước tivi có thể gây tăng cân. Khi trẻ quá tập trung vào chương trình truyền hình yêu thích của chúng, não bộ sẽ không nhận được thông điệp về việc quá no. Điều này sẽ khiến trẻ ăn quá mức. Ở một số trẻ, việc ăn cùng với tivi khiến bé không tập trung vào bữa cơm. Bữa ăn do đó kéo dài và gây chán ăn.
Bên cạnh đó, bữa ăn nên là cơ hội để gia đình ngồi lại với nhau và tâm sự mọi chuyện trong ngày. Việc tập trung ăn uống cùng gia đình sẽ khiến gia đình gần gũi nhau hơn.
3. Dùng ngôn ngữ thô lỗ và xúc phạm
Dân gian thường nói, đứa trẻ chính là tấm gương phản chiếu lại hành động, cử chỉ của người lớn. Nếu người lớn trong gia đình thô lỗ với nhau hoặc sử dụng ngôn ngữ xấu, trẻ sẽ lây thói quen này và rất khó để sửa.
Khi ra đường, trẻ cũng sẽ lặp lại những lời chửi rủa trước mặt bạn bè và người lớn khác. Việc sửa đổi này nên bắt đầu từ những người lớn trong gia đình. Mọi người trong gia đình cần phải thay đổi cách nói chuyện, ứng xử. Có phương pháp uốn nắn và chỉ dạy bé từ từ. Cha mẹ phải kiên nhẫn sửa sai và cố gắng giải thích cho bé rằng việc sử dụng những ngôn từ như vậy là sai.
4. Sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử
Việc cho trẻ sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử như: tivi, máy tính, điện thoại, ipad… có thể khiến trẻ tạo thói quen và thậm chí là “nghiện”. Trên thực tế, thói quen này thậm chí có thể gây hại cho sức khỏe của chúng ta. Điều này khiến trẻ không còn hứng thú ra ngoài chơi với bạn bè vì chúng bận ngồi hàng giờ trước máy tính, điện thoại.
Việc dành quá nhiều thời gian trên màn hình cũng dẫn đến rối loạn giấc ngủ và ảnh hưởng sự phát triển xã hội của trẻ.
Nếu dành quá nhiều thời gian vào việc trực tuyến hoặc chơi game, trẻ em có thể bỏ quên việc học hành, xao lãng mọi công việc.
Để ngăn thói quen xấu này, hãy tập cho trẻ chỉ được phép ngồi 2 giờ mỗi lần khi sử dụng các thiết bị. Việc nghiện sử dụng các thiết bị công nghệ là một nguy cơ tiềm ẩn với vấn đề sức khỏe và tâm lý của trẻ. Do đó, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường ở trẻ.
5. Mút ngón tay hoặc ngoáy mũi
Đôi khi, trẻ nhỏ có sở thích mút ngón tay cái thay vì núm vú giả. Đây là một thói quen xấu xuất hiện từ rất sớm, nhưng thường tự biến mất khi trẻ lớn lên.
Nếu thói quen đó vẫn tồn tại cả khi trẻ lên 6 tuổi, hãy tham khảo ý kiến các bác sĩ nhi khoa hoặc răng hàm mặt về vấn đề này. Nó có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sự phát triển răng và hàm của trẻ trong tương lai.
Thói quen mút ngón tay cũng thể hiện tâm lý cần được nâng niu, che chở của trẻ. Hãy dành thời gian quan tâm trẻ nhiều hơn. Nói chuyện với trẻ về những tác hại của thói quen này và giúp bé tập bỏ dần. Phụ huynh có thể sử dụng băng ngón tay hoặc bôi chất đắng lên ngón tay để ngăn trẻ mút tay.
Bên cạnh đó, ngoáy mũi cũng là một hành động vô thức mà trẻ nhỏ thường hay làm. Động tác này có thể gây tổn thương các mạch máu nhỏ trong mũi và niêm mạc, gây chảy máu.
Khi thấy trẻ ngoáy mũi, đừng dùng những hành động hoặc cử chỉ mạnh bạo để ép trẻ ngưng thực hiện. Cần rửa tay cho bé mỗi khi bạn thấy trẻ ngoáy mũi hoặc lau bằng khăn giấy. Hãy giải thích với trẻ và giúp trẻ nhận thức được hành động này gây nguy hiểm. Bạn cũng cần nhắc nhở mỗi khi trẻ có ý định thực hiện.
6. Đi ngủ muộn
Trẻ nhỏ cần ngủ từ 11 đến 13 giờ mỗi đêm. Nếu trẻ không được nghỉ ngơi đầy đủ, chúng sẽ cáu kỉnh, mất tập trung, mệt mỏi và thờ ơ. Điều này có thể dẫn đến mất trí nhớ và chậm tư duy.
Không ngủ đủ giấc cũng có thể tạo ra sự mất cân bằng nội tiết tố. Việc thiết lập thời gian ngủ hợp lý và duy trì thói quen nghiêm túc là cách để thay đổi điều này.
Phụ huynh có thể giúp trẻ ngủ bằng cách đọc cho con nghe một câu chuyện hoặc bật nhạc, mát-xa lưng. Những điều này sẽ giúp trẻ thư giãn và dễ đi vào giấc ngủ hơn.
7. Vệ sinh kém
Vệ sinh là nền tảng cho sức khỏe tốt và giúp trẻ xây dựng tính cách xã hội sau này. Nhiều đứa trẻ không muốn đánh răng sau bữa ăn hay thậm chí không muốn tắm. Sự phản kháng của trẻ có thể tạo nên thói quen xấu. Hãy tạo cho trẻ một thói quen giữ vệ sinh cá nhân tốt bằng cách duy trì thói quen vệ sinh cùng cả nhà. Cha mẹ có thể thường xuyên rửa tay, tắm hay đánh răng cùng trẻ mỗi ngày.
8. Kéo tóc
Trẻ có xu hướng kéo tóc trong khi mút ngón tay cái. Cách tốt nhất để thay đổi thói quen này là thường xuyên nhắc nhở khi trẻ có hành động. Có thể chuyển hướng sự chú ý của trẻ để bé quên đi hành động sắp làm. Tốt nhất, bạn nên nói chuyện với trẻ và giải thích vì sao không nên làm hành động này.
9. Chạm vào bộ phận riêng tư
Thói quen xấu này thật sự gây bối rối cho cha mẹ. Thay vì phản ứng tiêu cực, hãy dạy con bạn tên của các bộ phận cơ thể. Đánh lạc hướng con bạn khi trẻ làm điều này ở nơi công cộng.
10. Cắn móng tay
Trẻ thường cắn móng tay khi chúng lo lắng, buồn chán hoặc mải mê với thứ gì đó, đặc biệt là trong khi xem tivi. Hãy giữ cho móng tay của con thật sạch sẽ và cắt tỉa thường xuyên. Có thể nhờ bé cầm hoặc làm gì đó để giữ cho đôi tay luôn bận rộn.
11. Nhai hoặc liếm môi
Trẻ thường liếm hoặc cắn môi khi bị khô, nứt môi. Bạn hãy thường xuyên cho trẻ uống đủ nước, thoa son dưỡng môi để bé không bị khô môi. Điều này sẽ giúp trẻ hạn chế được thói quen trên.
12. Nghiến răng
Thông thường, thói quen này có thể xảy ra khi trẻ đang ngủ. Hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính gây nên tình trạng này. Việc chỉ trích hoặc la mắng sẽ khiến tình trạng có thể trầm trọng hơn vì hành động này trẻ không kiểm soát được. Cần chú ý chăm sóc răng miệng cho trẻ đúng cách. Nếu tình trạng nghiến răng trầm trọng hơn thì bạn cần cho trẻ đến thăm khám bác sĩ.
13. Thường xuyên nói dối
Thói quen này của trẻ nhằm thoát khỏi sự trừng phạt và la mắng. Do đó, phụ huynh cần tránh hành động la mắng trẻ khi có bất kỳ sự việc nào. Nói chuyện một cách nhẹ nhàng và nghiêm túc để trẻ hiểu được vấn đề sẽ tốt hơn. Cần khen thưởng cho trẻ khi con biết trung thực.
Hầu hết các thói quen xấu hình thành do căng thẳng hoặc buồn chán vì thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ cần cố gắng duy trì bầu không khí vui vẻ và yêu thương trong gia đình để giảm đi sự căng thẳng cho trẻ. Luôn dành cho trẻ lời khen ngợi và an ủi khi con cảm thấy lo lắng.
Các thói quen xấu ở trẻ có thể được hình thành từ rất sớm. Đa số trẻ sẽ thay đổi khi lớn dần và ý thức được. Tuy nhiên, cha mẹ cần có cách dạy và uốn nắn trẻ dần từ nhỏ. Vì những thói quen đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tính cách và lối sống sau này. Thậm chí, chúng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Cha mẹ hãy cố gắng xây dựng một bầu không khí gia đình vui vẻ. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng tính cách và thói quen cho trẻ.
13 Thói Quen Xấu Ở Trẻ, Mẹ Cần Lưu Ý Để Sửa Từ Khi Còn Nhỏ
Blog Làm Mẹ Không Stress - Lan tỏa tri thức, Đồng hành cùng bạn, Vượt qua khó khăn, Bình an Hạnh phúc
0 Nhận xét