6 Điều Mẹ Cần Chú Ý Khi Xử Lý Các Con Đánh Nhau

 Trẻ nhỏ xảy ra bất đồng là tình trạng xảy ra khá phổ biến trong những gia đình có từ 2 con trở lên. Vậy lúc này bố mẹ nên làm gì? Dưới đây là các cách xử lý khi các con đánh nhau hiệu quả mà bố mẹ có thể áp dụng cũng như những lưu ý dành cho bố mẹ trong quá trình xử lý xung đột giữa các con.

Các cách xử lý khi trẻ đánh nhau với em

1. Tìm hiểu nguyên nhân của cuộc xung đột

Khi đã hiểu rõ lý do tại sao các con đánh nhau, bố mẹ sẽ có thể tìm ra cách giải quyết hiệu quả nhất. Để có thể làm được điều này với trẻ nhỏ, cách tốt nhất là bố mẹ chú ý theo dõi trẻ khi hai con đang chơi với nhau. Với những trẻ lớn hơn, bố mẹ có thể yêu cầu con kể lại câu chuyện dẫn tới mâu thuẫn rồi đưa ra cách xử lý phù hợp.

2. Tránh so sánh theo chiều hướng tiêu cực

Khi các con xảy ra xung đột, bố mẹ đôi khi nói với trẻ những câu mang ý nghĩa tiêu cực như: “Đáng lẽ ra con phải biết điều đó vì con lớn hơn em!” hoặc “Con hư quá rồi đấy!”. Tuy nhiên, những câu nói như vậy có thể khiến trẻ cảm thấy tủi thân hoặc bực bội hơn.

3. Đưa ra các hình thức xử phạt công bằng

Xử phạt công bằng không có nghĩa là xử phạt giống nhau. Trong trường hợp các con có độ tuổi cách xa nhau, bố mẹ nên xem xét về các hình thức xử phạt sao cho phù hợp. Ví dụ, cách bố mẹ phạt một trẻ 2 tuổi giống như cách phạt một trẻ 7 tuổi là không hợp lý.

4. Các bước giải quyết sau xung đột của trẻ nhỏ

Cách giải quyết sau khi các con đánh nhau hiệu quả nhất là bố mẹ đợi cho đến khi trẻ bình tĩnh trở lại và sẵn sàng lắng nghe lời khuyên từ người lớn. Lúc này, bố mẹ có thể:

Nói cho các con biết bố mẹ đang định làm gì, chẳng hạn như: “Nếu tiếp tục đánh nhau, hai đứa sẽ không được xem tivi nữa đâu nhé! Bây giờ cả hai ngồi xuống và kể cho bố mẹ nghe nào, bố mẹ sẽ giúp các con.”

Hỏi từng trẻ về mong muốn của con. Bố mẹ có thể gợi ý bằng cách hỏi trẻ những câu như: “Con có thấy công bằng không khi chỉ có một mình con sử dụng máy tính suốt cả ngày?” 

Cùng trẻ suy nghĩ về hướng giải quyết vấn đề bằng cách khuyến khích từng trẻ tự đưa ra cách giải quyết mà con nghĩ là hợp lý. Sau đó, bố mẹ cùng trẻ bàn bạc về cách khả thi nhất, về lợi ích và tác hại mà cách đó có thể gây ra. 

Lưu ý dành cho bố mẹ

5. Luôn bình tĩnh khi can thiệp vào “cuộc chiến” giữa các con

Khi can thiệp vào “cuộc chiến” giữa các con, bố mẹ nên lưu ý giữ bình tĩnh, không la mắng hay sử dụng ngôn từ không phù hợp (từ lóng, từ mang ý nghĩa xúc phạm…) để không khiến trẻ kích động. Lúc này, tâm trạng sau ẩu đả của trẻ đang không tốt, chưa ổn định, nên nếu bố mẹ không biết cách ứng xử sao cho kéo léo, trẻ sẽ rất dễ trở nên hung hăng và muốn tiếp tục giải quyết xung đột bằng bạo lực hơn. 

6. Chú ý hơn tới cảm xúc của trẻ

Trẻ nhỏ đôi khi cũng có những lúc cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng. Cảm xúc tiêu cực này có thể dẫn tới hành động quá khích, khiến trẻ đánh lộn với anh chị em của mình. Việc bố mẹ nên làm lúc này là cố gắng quan sát những biểu hiện của trẻ để tìm hiểu xem con có đang gặp phải vấn đề gì hay không, chẳng hạn như đói, cơ thể mệt mỏi… 

Đôi khi, bố mẹ có thể trò chuyện riêng với từng trẻ để khuyến khích con tâm sự với bố mẹ về những vấn đề mà mình đang gặp phải. Qua những lần như vậy, bố mẹ sẽ hiểu con hơn và từ đó tìm ra những biện pháp phù hợp trong trường hợp xảy ra xung đột giữa trẻ và các anh chị em trong gia đình.

(Theo ODPHUB)

Blog Làm Mẹ Không Stress - Lan tỏa tri thức, Đồng hành cùng bạn, Vượt qua khó khăn, Bình an Hạnh phúc

Đăng nhận xét

0 Nhận xét